Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM), việc hình thành các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đang có vai trò khá quan trọng khi hình thành nên mô hình sản xuất đầu tàu, tạo chuỗi sản xuất hiệu quả.
Đẩy mạnh liên kết với nông dân
Năm 2021, HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Quế (xã Bình Quế, Thăng Bình) được thành lập và sau 1 năm ra đời HTX đã củng cố, hoạt động ổn định với các ngành nghề chăn nuôi, trồng trọt và xây dựng công trình.
Nhận thấy nông dân Bình Quế canh tác ổn định hơn 3ha diện tích cây tiêu, đầu năm 2024, HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Quế đã đứng ra liên kết với các hộ dân để thu mua, chế biến và đóng gói các sản phẩm có khối lượng tịnh 250gr, 300gr và 500gr.
Sau đó, nhu cầu sản xuất mở rộng, HTX này còn liên kết bao tiêu cho cả một số hộ ở lận cận thuộc xã Tam Thành (Phú Ninh). Theo ông Thái Hoàng Duy Em - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Quế, cây tiêu được trồng trên đất sỏi nên có vị đậm đà, cay nồng và thơm.
“Hiện nay sản phẩm tiêu đóng gói của HTX được nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn xã và khách hàng ngoài tỉnh mua làm quà biếu nên thị trường đầu ra khá ổn định. Cái khó nhất của HTX hiện nay là trụ sở làm việc vì vẫn phải đang tận dụng từ nhà văn hoá thôn cũ để hoạt động sản xuất. Ngoài việc cần được bố trí đất thì HTX cũng mong muốn được tiếp cận các nguồn vốn để có thể mở rộng quy mô, tăng số lượng hội viên và hộ liên kết”- ông Em đề nghị.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Quế cho hay, thời gian qua, chính quyền đã hỗ trợ nhiều mặt để HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Quế phát triển và đang định hướng xây dựng sản phẩm tiêu của HTX lên bậc cao hơn, trở thành sản phẩm OCOP.
Tương tự, ông Phạm Thanh Hoàng - Giám đốc Công ty CP Thực phẩm vườn rừng Tây Giang (xã Gari, Tây Giang) suốt nhiều năm miệt mài gầy dựng, góp vốn để hình thành nên 4 HTX ở vùng miền núi Tây Giang, trong đó, đáng chú ý là sự thành công của HTX Nông nghiệp sinh thái rừng xanh rau sạch.
Vì ông nhận thấy tầm quan trọng của kinh tế hợp tác, HTX nông nghiệp có vai trò quan trọng trong đảm bảo kinh tế cho vùng biên giới, hỗ trợ nhân dân thoát nghèo bền vững. HTX này đã quy hoạch vùng trồng tập trung các loại cây có giá trị kinh tế để đảm bảo sản lượng đăng ký tham gia OCOP, chế biến chuyên sâu, tăng thời gian bảo quản. Đóng gói sản phẩm với bao bì, mẫu mã đẹp mang đi quảng bá, bán hàng tại các TT Hội chợ triển lãm, bỏ hàng tại các siêu thị và các đại lý.
“Trước đây khi người dân bán hàng hay bị thương lái ép giá, cân không đúng vì vậy HTX Nông nghiệp sinh thái rừng xanh rau sạch ra đời với mục đích tạo việc làm tại chỗ, cam kết thu mua các loại nông sản từ người dân đúng cân trọng lượng, theo giá thị trường để tạo niềm tin và niềm hăng say trong lao động cho đồng bào dân tộc thiểu số” – ông Hoàng chia sẻ.
Khẳng định loại hình tổ chức sản xuất quan trọng
Theo ông Phạm Thanh Hoàng, HTX nông nghiệp ở vùng biên giới rất quan trọng khi tạo việc làm thường xuyên cho nhiều hộ dân góp phần đảm bảo an sinh - xã hội, đời sống người dân ngày càng cải thiện, đầy đủ hơn.
“Chúng tôi vay vốn để đầu tư các loại dây chuyền máy móc hiện đại nhằm mục đích tăng thời gian bảo quản và giá trị của mặt hàng nông sản. Và tìm khách hàng đảm bảo đầu ra để sản phẩm tiêu thụ nhanh giúp người dân có tiền đều đặn từ việc bán hàng. Và HTX cũng là đầu mối kết nối với các nhà hảo tâm để làm các chương trình từ thiện giúp đỡ các hoàn cảnh kém may mắn ở vùng miền núi” – ông Hoàng nói.
Tính đến ngày 30/5/2023 trên địa bàn tỉnh có 642 HTX và 1 liên hiệp HTX đang hoạt động, trong đó, nông nghiệp có đến 428 HTX, chiếm 66,6%. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các HTX có vai trò hết sức quan trọng, không chỉ nâng cao thu nhập cho nông dân mà còn góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn thời kỳ hội nhập.
Thực tiễn trong xây dựng NTM thời gian qua cho thấy, kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX là nhân tố không thể thiếu trong quá trình thúc đẩy xây dựng nông thôn mới. Ðặc biệt, trong những năm gần đây, với yêu cầu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, kinh tế tập thể, HTX đã có bước phát triển mới về số lượng, hiệu quả; hoạt động được nâng cao với đủ các loại hình dịch vụ thúc đẩy sản xuất kinh doanh ở khu vực nông thôn.
Ông Đoàn Ngọc Trung - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Quảng Nam nhìn nhận, các HTX nông nghiệp đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con nông dân, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất và nhất là đã thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản.
“Có nhiều HTX nhanh chóng thích nghi với cơ chế thị trường, tạo sự liên kết, hợp tác giữa HTX với nhau và với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khác để tổ chức sản xuất theo những mô hình mới, mang lại hiệu quả kinh tế cho thành viên, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân và thay đổi diện mạo nông thôn và góp phần hoàn thành tiêu chí 13 của bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới” - ông Đoàn Ngọc Trung nói.
Nhiều hợp tác xã nông nghiệp đã nâng tầm nông sản, chế biến sâu thành các sản phẩm có giá trị cao. Ảnh: H.Đ